4 /5 Vũ Đạm Nhiên: LẦN ĐẦU TỚI VỚI RẠP CHIẾU CỦA TRƯỜNG SÂN KHẤU ĐIỆN ẢNH (SAIGON)
Ngồi bus 14, xuống ở trạm Từ Dũ, đi bộ qua bùng binh chợ Thái Bình, ngó bên phải là thấy bảng tên trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh. Qua cổng bảo vệ, bên tay trái là Sân Khấu Thế Giới Trẻ. Tôi biết tiếng chỗ này nhưng chưa có dịp vào coi kịch ở đây. Đi lướt ngang thấy có dựng bích chương lớn và một tốp các diễn viên đang tập tuồng ở tầng trệt. (Ngay thời điểm này, sân khấu này đang có một scandal không hề nhỏ nhưng có vẻ như mọi việc đã được xử lý kịp thời.)
Tiếp tục đi thẳng vào trong, qua bãi giữ xe là tới tòa nhà có buổi workshop “Xu hướng làm phim điện ảnh Ý đương đại”. Đây là hoạt động nằm trong tuần phim Ý ở Sài Gòn. Từ cổng vào tới đây, tôi đã thấy có 2 tấm bảng giới thiệu về liên hoan phim Ý nhưng còn thông tin về buổi workshop mà cụ thể ở tầng nào thì không có. Lục coi lại trên bảng tin sự kiện facebook cũng không thấy. Vậy là quay ra hỏi chú bảo vệ. Chưa chắc lắm nhưng ít nhất đã có manh mối.
Quay trở vô, tôi bấm tầng 2. May quá, đúng nơi rồi! Tới mới biết trước khi vào buổi tọa đàm là phần chiếu phim ngắn có tựa “Dưới đáy hồ”. Giờ mới hiểu nơi tổ chức không phải hội trường mà là một rạp chiếu thực thụ. Do đi trễ nên không còn ghế là đương nhiên. Tôi lần dò trong bóng đêm cũng có chỗ ngồi ở bậc tam cấp nhưng phim đã chiếu gần nửa tiếng rồi nên dù tiếc cũng đành quay ra bên ngoài cho thoáng. Lát sau buổi thuyết trình bắt đầu thì mới trở vô.
Đợt liên hoan phim HIFF hồi tháng 4, tôi đã thấy đạo diễn Aaron Toronto làm chủ trì kèm phiên dịch cho các buổi thảo luận về phim. Nay được gặp anh lần nữa. Thay vì đọc một cuốn sách về lịch sử điện ảnh Ý thì nay được nghe một người Ý nói về những vinh quang quá khứ và khủng hoảng hiện tại của nền điện ảnh giàu mạnh này. Đây chắc chắn là một trải qua xứng đáng! Tiếc là ông giám tuyển của LHP Ý tại Việt Nam Antonio Termenini lại chỉ sử dụng tiếng Anh trong buổi này. Mong muốn của tôi như đã biên trong một bài khác là được nghe tiếng Italia nhiều nhứt có thể. Tuy vậy tôi cũng hiểu là để có thể tìm một người dịch cabin vừa giỏi tiếng Việt, am tường tiếng Ý mà lại hiểu thị trường phim và sử dụng nhuần nhuyễn các thuật ngữ chuyên ngành điện ảnh thì quả là rất gian khó. Thế nên ước mơ là ước mơ vậy thôi chứ thật tâm mình hoàn toàn đồng cảm với thực tế. Buổi này với tôi cũng rất bổ ích, nhất là phần nêu ra những cái tên đạo diễn tiêu biểu qua các thời kỳ của điện ảnh Ý, tôi lắng nghe, ghi nhớ và ghi chú lại để có thể tra cứu về sau.
Tôi tới với buổi này với tư cách là một khán giả, ngồi lẫn ở bậc tam cấp của rạp phim có khi bị lộn với các bạn sinh viên ở đây. Nhưng tôi nghĩ mình và các bạn cũng không khác về tâm thế. Tôi tới đây là để nghe, để học và không ngại sự “quá đát” về tuổi tác của mình. Mà thiệt ra ban đầu là hơi sợ vì không biết có được cho vào không, vì không thuộc tổ chức nào, chỉ là một khán giả mê phim đơn thuần. Hình như cũng chưa quét mã điền đơn đăng ký. Thấy lịch hôm trước là hôm sau bắt bus tới nghe thôi! Hên quá, mọi sự trót lọt, vào được, nghe được, mang được về nhà nhiều ghi nhận hữu ích làm phong phú thêm cho hành trình cảm thụ trong liên hoan phim kỳ này!
#Vũ_Đạm_Nhiên